Quy định về 2 trường hợp ly hôn: Đồng thuận và Đơn phương.

Ngày đăng: 11-11-2024 16:28

Như chúng ta cũng đã biết Hôn nhân chính là đích đến của tình yêu. Thế nhưng theo các thống kê hiện nay về cuộc sống hôn nhân thì tỷ lệ ly hôn tại Việt Nam ngày càng tăng. Có rất nhiều lý do dẫn đến tình trạng ly hôn này thế nhưng Pháp luật Việt Nam hiện hành quy định hai hình thức ly hôn, đó là thuận tình ly hôn và đơn phương ly hôn.

Bài viết dưới đây, Luật Ưu Việt sẽ phân tích như thế nào là thuận tình ly hôn; đơn phương ly hôn và thủ tục hồ sơ để giải quyết ly hôn như thế nào khi cuộc sống hôn nhân không còn níu kéo được nữa.

1. Thuận tình ly hôn là gì?

Theo Điều 55 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì Thuận tình ly hôn là: “Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn”

Ta có thể thấy việc Thuận tình ly hôn phải được đảm bảo bởi 2 điều kiện của vợ và chồng:

Thứ nhất là cả hai đều tự nguyện ly hôn

Thứ hai là cả hai đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con.

Có thể thấy việc thuận tình ly hôn sẽ thuận lợi nếu như hai bên tự nguyện về mặt ý chí và tài sản. Thế nhưng rất nhiều trường hợp các cặp vợ chồng không thể thỏa thuận với nhau về việc nuôi con và phân chia tài sản, vì vậy sẽ gây khó khăn trong quá trình thuận tình ly hôn. Nếu không thể thống nhất ý chí để thuận tình ly hôn thì Tòa án sẽ giải quyết việc ly hôn này. 

2. Đơn phương ly hôn là gì?

Theo Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì đơn phương ly hôn là:

  • Khi một trong hai bên vợ hoặc chồng muốn yêu cầu giải quyết ly hôn theo ý chí của một bên mà tiến hành để hòa giải tại cơ quan Tòa án nhân dân không thành thì khi đó Tòa án sẽ thực hiện giải quyết cho hai bên ly hôn nếu như có các căn cứ về tình trạng hôn nhân giữa vợ, chồng có các hành vi như bạo lực gia đình hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng các quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng để dẫn đến đời sống hôn nhân giữa vợ và chồng lâm vào tình trạng rất trầm trọng, giữa vợ chồng đời sống chung không thể tiếp tục kéo dài thêm và mục đích của cuộc hôn nhân giữa vợ và chồng không đạt được.
  • Trong trường hợp vợ hoặc chồng mà mất tích theo quy định Bộ luật dân sự năm 2015 và được tòa án tuyên bố mất tích theo đúng quy định pháp luật hiện hành của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 và Bộ luật dân sự năm 2015 mà người còn lại có yêu cầu để tòa án giải quyết cho ly hôn thì theo quy định của Luật hôn nhân gia đình năm 2014 và Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì  Tòa án sẽ giải quyết cho ly hôn trong mối quan hệ hôn nhân này.
  • Cha hoặc mẹ hoặc người thân thích khác có quyền thực hiện để yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn cho cuộc hôn nhân mà khi một bên vợ hoặc chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà  theo quy định pháp luật hiện hành là không thể nhận thức, hay làm chủ được hành vi của mình, bên cạnh đó đồng thời cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng hoặc vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe và tinh thần của họ. Trong trường hợp này, thì Tòa án giải quyết để cho các bên tiến hành ly hôn nếu như có căn cứ, chứng cứ, chứng minh về việc chồng, vợ có các hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe và tinh thần của đối phương còn lại.

Khi một trong hai bên vợ hoặc chồng muốn yêu cầu giải quyết ly hôn theo ý chí của một bên thì Việc hòa giải là một thủ tục bắt buộc, nhưng hoà giải được diễn ra nhiều lần sẽ làm mất rất nhiều thời gian của các bên. Ngoài các buổi hòa giải có thể phải bổ sung thêm một số hoạt động như thẩm định giá tài sản, lấy ý kiến của con…Mỗi bước được bổ sung nói trên sẽ cần phải tuân thủ những điều kiện riêng nhưng đều có một điểm chung là làm cho thủ tục ly hôn đơn phương trở nên phức tạp và khó khăn hơn.

3. Thủ tục giải quyết

3.1. Đối với thuận tình ly hôn

Tòa án giải quyết theo thủ tục vụ việc dân sự, công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Cụ thể:

– Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Tòa án sẽ kiểm tra đơn, hồ sơ gửi kèm và gửi thông báo tạm ứng án phí.

– Sau khi nộp tiền tạm ứng án phí dân sự tại Chi cục thi hành án dân sự có thẩm quyền và nộp biên lai tạm ứng án phí cho Tòa án thì trong thời hạn 15 ngày làm việc, Tòa án có thẩm quyền mở phiên hòa giải.

–  Nếu hòa giải không thành, trong vòng 7 ngày làm việc, nếu các bên không có ý kiến gì, Tòa án sẽ ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn.

3.2. Đối với đơn phương ly hôn

So với thuận tình ly hôn thì thủ tục giải quyết vụ án đơn phương ly hôn phức tạp và kéo dài hơn. Cụ thể:

– Sau khi nhận đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án xem xét thụ lý vụ án, thông báo để đương sự nộp tiền án phí và người nộp đơn phải giao biên lai nộp án phí tạm ứng để Tòa án xử lý vụ án.

– Tòa án tiến hành lấy ý kiến của bị đơn và tiến hành thủ tục hòa giải. Nếu trường hợp hòa giải không thành thì Tòa án mở phiên tòa xét xử.

Thời gian giải quyết đơn phương ly hôn theo Luật định là 4 tháng và có thể kéo dài nếu vụ việc có những tranh chấp phức tạp.

Trên đây là những quy định pháp luật cơ bản giữa thuận tình ly hôn và đơn phương ly hôn. Hi vọng những thông tin này sẽ hữu ích đối với Quý đọc giả. Nếu còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác Quý khách vui lòng liên hệ L&P Consulting qua hotline: 0946604676, chúng tôi sẵn sàng giải đáp và hỗ trợ kịp thời về các dịch vụ ly hôn chi tiết nhất.